Chuyện ít biết về sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam
10 tháng 1, 2025
Read EN Version
Thi thoảng, trong những cuộc nói chuyện về thương mại điện tử, tôi hay hỏi mọi người “thị trường này đang có những anh tài nào tham gia”. Bạn có thể thử, và tôi đoán những cái tên bạn nhận được sẽ giống ít nhất 95% điều tôi từng nghe - một con số gần như tuyệt đối. Đó là Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki.
Không có gì bất ngờ. Bởi những cái tên kể trên có quá nhiều điểm chung khiến bạn nhớ.
Thứ nhất, tất cả là sàn thương mại điện tử hoạt động theo mô hình B2C, tức trung gian đưa sản phẩm từ doanh nghiệp đến tay người dùng cuối. Bạn có thể đã vài lần hoặc đang tiếp tục là người dùng cuối đó, nên cảm giác quen thuộc là hiển nhiên.
Thứ hai, những cái tên kể trên đều có mối liên quan đến với Trung Quốc - nơi không phải khởi nguồn, nhưng hiện là đất nước có quy mô thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Điều này tôi sẽ giải thích sâu hơn trong một bài viết khác.
Thứ ba, tất cả đều xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng 15 năm trở lại đây. Tại sao tôi chọn cột mốc này? Đơn giản, đó là phân nửa tiến trình phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam tính đến thời điểm này.
Chia sẻ như vậy để bạn dễ hình dung, thương mại điện tử Việt Nam đang được gọi tên bằng số ít thương hiệu dẫn đầu, có sức tác động rất lớn nhưng không hiện diện trong giai đoạn sơ khai của thị trường.
Còn bài viết này, tôi dành để kể về một “anh tài” không có điểm chung nào trong số 3 điều liệt kê ở trên. Nói ngắn gọn: vnemart.com.vn - một sàn thương mại điện tử B2B, thuần chất Việt Nam, ra đời những năm đầu thế kỷ 21. Để cô đọng hơn nữa: đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam.
Tôi đoán, nếu là một người tò mò, sẽ có hai điều bạn làm khi thấy dòng chữ vnemart.com.vn.
Đầu tiên, vì đây là một tên miền, bạn sẽ “copy”, “paste” và “enter” trong thanh địa chỉ. Kết quả: lời chào từ nginx (một web server mã nguồn mở) cùng yêu cầu cấu hình thêm. Điều này đồng nghĩa bạn không có thông tin gì, ngoài lờ mờ đoán vnemart.com.vn đã đóng cửa. Từ đây, hành động thứ hai diễn ra.
Bạn thực hiện lại chuỗi thao tác trên, nhưng ở thanh tìm kiếm Google. Kết quả là một loạt bài viết trên nhiều tờ báo đưa tin khai trương, tăng trưởng, giới thiệu gói dịch vụ mới… Tuy nhiên, thay vì phải đọc tất cả chúng, tôi sẽ gói gọn cho bạn câu chuyện về vnemart.com.vn trong độ dài của một tờ A4.
Lãnh đạo Vnemart.com.vn (từ đây, tôi sẽ viết tắt thành “Vnemart” vì mục đích giản tiện) trong những bài báo cũ cho biết thời gian thai nghén dự án là 2 năm, tức từ 2001.
Đây là dự án “con cưng” của 3 bên: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, nay đã đổi thành Liên đoàn), Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC, thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).
VCCI là tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận, còn VDC và Vietinbank đều được sở hữu bởi nhà nước. Thế nên, có vẻ không sai khi nói Vnemart là sàn thương mại điện tử của (hoặc được hỗ trợ bởi) nhà nước.
18/4/2003, VCCI họp báo, tuyên bố đây là sàn giao dịch thương mại điện tử đầu tiên. 5 ngày sau, sàn chính thức hoạt động. Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh khi đó nói rằng cơ quan này “đang xây dựng pháp lệnh thương mại điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các giao dịch”.
Giao diện của Vnemart. Ảnh: Sưu tầm.
Vnemart theo đuổi mô hình B2B để kết nối giao thương doanh nghiệp trong nước với bạn hàng nước ngoài. Thông tin vì thế đầy đủ tiếng Việt lẫn tiếng Anh - một điều hiếm thấy cách đây 2 thập kỷ. Để tránh tranh chấp nhãn hiệu, Vnemart yêu cầu doanh nghiệp tham gia cam kết tất cả hàng hoá lên sàn phải được đăng ký bản quyền.
“Qua địa chỉ này, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm bạn hàng, cập nhật thông tin về các hội chợ quốc tế và tiến hành đàm phán hợp đồng thương mại trực tuyến…”, báo VnExpress đưa tin về công năng của Vnemart.
Ban đầu, 27 doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ tham gia sàn và được miễn phí hoàn toàn trong 2 năm. Bạn có thể thấy con số này quá ít. Nhưng, khi đặt vào bức tranh lớn thời điểm đó - cả nước chưa đầy 2.700 doanh nghiệp có website (chưa nói đến việc kinh doanh thông qua website) - tôi tin bạn sẽ nghĩ khác.
Số lượng doanh nghiệp tham gia sàn tăng lên 700 sau chưa đầy một năm. Lưu lượng truy cập có ngày lên đến 10.000. Từ một ngành hàng, danh mục mở rộng sang dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, vật liệu xây dựng… Không chỉ hàng nội địa tìm đường ra nước ngoài, doanh nghiệp ngoại cũng lên Vnemart tìm cơ hội quảng bá sản phẩm ở Việt Nam.
Đại diện Vnemart vào năm 2006 xuất hiện trên truyền thông để loan tin: sàn thương mại này đang phát triển rất mạnh, tăng trưởng giao dịch 200-300% mỗi năm. Doanh nghiệp tham gia sàn khi đó gấp 203 lần ngày khai trương. Có một sự kiện giải thích cho nhịp tăng nóng này, đó là Việt Nam kết thúc quá trình đàm phán song phương và đa phương để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007. Cánh cửa ra thế giới rộng mở từ đây.
Ngay sau đó, Vnemart bắt đầu tính phí theo hai gói dịch vụ Pro (50 USD/năm) và Gold (150 USD/năm). Sàn này cam kết doanh nghiệp tham gia gói thành viên “được hỗ trợ ở mức cao nhất, được xác thực hoạt động, đảm bảo độ tin cậy trong giao dịch và được đăng không giới hạn các nhu cầu chào hàng”.
Thế nhưng, mức tăng ba chữ số cùng danh hiệu “một trong những sàn B2B uy tín nhất” năm 2006 cũng trở thành dấu mốc cho giai đoạn hoàng kim của Vnemart. Bởi từ đó về sau, hoạt động của sàn dần lụi tàn.
Mẩu thông tin trọn vẹn cuối cùng về Vnemart bạn có thể tìm thấy trên internet được đăng vào 2008. Đó là một bài báo giới thiệu “chương trình khuyến mại đặc biệt”: đăng ký gói Gold, nhận cẩm nang kinh doanh dài 40.000 trang.
Từ sau giai đoạn này, cái tên Vnemart chỉ xuất hiện trong 2 nhóm nội dung. Một là giáo trình thương mại điện tử của các trường đại học. Hai là những bài báo liệt kê sự ra đi của hàng loạt sàn thương mại điện tử B2B lúc bấy giờ. Nhưng, điều đặc biệt là bạn gần như không tìm được một cột mốc cụ thể nào hay lý giải cho sự ra đi này.
Trở lại suy đoán đầu tiên khi “copy”, “paste” và “enter” đường dẫn vnemart.com.vn vào thanh địa chỉ, bạn đã đúng: sàn thương mại điện tử đầu tiên của Việt Nam chính thức khai tử.
Có vẻ nghịch lý, nhưng sự sụp đổ của Vnemart khiến tôi liên tưởng đến Alibaba.com - một sàn B2B Trung Quốc, ra đời cùng thời và thắng lợi vang dội.
Dù đã khai tử và quá khó tìm được những di sản hữu hình, nhưng tôi tin, Vnemart chí ít cũng để lại một di sản vô hình. Đó là những thách thức đương thời để cơ quan quản lý nhà nước tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại điện tử và những bài học cho các doanh nghiệp ấp ủ giấc mộng thành công như gã khổng lồ của Trung Quốc.
Theo dõi thị trường hơn chục năm qua, tôi cho rằng sự ra đi của Vnemart không đến từ mô hình kinh doanh ít tiềm năng, mà bởi nhiều nguyên nhân khác. Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ cố gắng chắp ghép những thông tin ít ỏi về Vnemart để so sánh với mô hình hoạt động của Alibaba. Mục tiêu là lý giải phần nào cho sự rút lui không kèn trống của một sàn B2B từng là niềm kỳ vọng của doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.
Còn phần tiếp theo, thân mời bạn đón đọc!
Chia sẻ bài viết
Tải ngay ứng dụng Paykit trên App Store hoặc Google Play, đăng ký tài khoản miễn phí và trải nghiệm cổng thanh toán, tối ưu hóa mọi giao dịch cho doanh nghiệp của bạn!