Vì sao sàn thương mại đầu tiên của Việt Nam thất bại?

22 tháng 1, 2025

Bài viết trước, tôi chia sẻ về sự ra đời và ra đi của Vnemart, sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam, với tư cách một người ngoài cuộc.

Bài viết này sẽ khác một chút, bởi thi thoảng tôi sẽ nhắc đến Khoa, một thành viên cốt cán từ khi Vnemart còn thai nghén trên bàn giấy cho đến ngày đóng cửa. Thắc mắc lớn nhất khi tôi tìm gặp Khoa cũng là tiêu đề bài viết này: vì sao dự án thất bại? Khoa dường như không muốn nói nhiều về điều đó. Nhưng sau khi thuyết phục, tôi đã thu nhặt vài thông tin có thể chia sẻ cùng bạn để hiểu thêm góc nhìn của người trong cuộc.

Trước hết, tôi tạm đúc kết sự thất bại của Vnemart không đến từ mô hình B2B ít tiềm năng, bởi thực tế Alibaba - gã khổng lồ B2B của Trung Quốc - vẫn đang rất thành công. Trao đổi cùng Khoa và quan sát thị trường hơn chục năm qua, tôi cho rằng lý do chính bắt nguồn từ sự sơ khởi của thị trường thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2003-2010. Cái sơ khởi và non nớt kéo theo nhiều vấn đề khác.

Vấn đề thứ nhất, doanh nghiệp trong nước cách đây 20 năm không mặn mà tham gia thương mại điện tử vì chưa nhận thức hết tầm quan trọng và hiệu quả.

Tôi có vài số liệu để chứng minh cho nhận định này.

Năm 2006, tức giai đoạn hoàng kim của Vnemart, chỉ 8% doanh nghiệp Việt Nam tham gia sàn thương mại điện tử. Nhìn từ báo cáo thường niên của Bộ Thương mại, tỷ lệ nhích dần qua từng năm, nhưng chậm và mất cân đối theo quy mô doanh nghiệp lẫn khu vực địa lý. Diễn dịch một cách dễ hiểu hơn: doanh nghiệp thời đó càng nhỏ, đặt trụ sở hoặc cơ sở sản xuất càng xa TP HCM và Hà Nội thì càng xa lạ với khái niệm sàn giao dịch thương mại điện tử. Vì xa lạ, để thuyết phục họ tham gia là một hành trình kỳ công.

“Đội ngũ 50 người vừa làm, vừa thuyết phục doanh nghiệp lên sàn nhưng họ không quyết liệt và dám thử”, Khoa kể với tôi.

Khi tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn đạt 12%, “đà tăng trưởng có phần chậm lại, do hiệu quả của việc tham gia sàn đối với doanh nghiệp chưa thực sự cao”. Tôi trích phần trong ngoặc kép cũng từ một báo cáo thường niên của Bộ Thương mại, nhưng khác là thời gian đã tiến thêm 3 năm đến 2009 - đúng giai đoạn thoái trào của Vnemart.

Đại diện Vnemart nói rằng số lượng thành viên có lúc hơn 5.500, từ 80 quốc gia. Tréo ngoeo là một sàn thương mại điện tử do người Việt phát triển, chủ yếu để bắc cầu cho hàng Việt ra thế giới nhưng doanh nghiệp nội tham gia còn ít hơn bạn hàng nước ngoài.

Sự không mặn mà tôi nói ở trên có thể nhìn thấy từ những dòng mô tả công ty, hàng hoá rất sơ sài của các doanh nghiệp tham gia Vnemart thời điểm đó. Đôi ba sản phẩm thậm chí không có giá niêm yết.

Ảnh chụp màn hình một mô tả sản phẩm trên sàn Vnemart, đồng thời là minh chứng cho những mảng thông tin chắp vá. Ảnh: Sưu tầm.

Chuyện là vậy, nhưng tôi nghĩ khó trách doanh nghiệp. Họ cũng mới chập chững vào môi trường kinh doanh số, không biết bắt đầu từ đâu và không có quy chuẩn để dõi theo nên tham gia mang tính chiếu lệ, thông tin không đủ, trong khi bạn hàng nước ngoài lại đòi hỏi sự tường minh. Khi người mua không đủ dữ kiện ra quyết định, người bán không có đơn. Kém hiệu quả, không tin dùng và rời đi là một chuỗi hệ quả tất yếu.

Thậm chí có doanh nghiệp đã lên sàn nhưng cũng không dám “bung” hết danh mục sản phẩm. Ông Lê Thanh Bình, lãnh đạo công ty Tre Việt, từng bày tỏ băn khoăn các sàn B2B chưa có quy chế rõ ràng để bảo hộ quyền của doanh nghiệp đối với sản phẩm của mình. Trong khi đó, mẫu mã khác biệt là tài sản lớn của doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như công ty ông.

Vấn đề thứ hai để giải thích cho sự lụi tàn của Vnemart, tôi nghĩ phải nhắc đến khuôn khổ pháp lý thời đó chưa hoàn thiện.

Khi đó, luật chưa cho phép ứng dụng chữ ký điện tử nên doanh nghiệp không thể ký kết hợp đồng và thanh toán trực tuyến. Đây là rào cản lớn nhất để Vnemart trở thành một sàn giao dịch đúng nghĩa, tức không chỉ kết nối giao thương mà phải chấp nhận thanh toán, quản lý đơn hàng và dịch vụ hậu mãi.

Tôi trích một đoạn trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) trên báo chí vào năm 2006 để nói thay khó khăn khách quan của Vnemart: “Có nhiều lý do cản trở sự phát triển thời điểm đó. Thứ nhất là hệ thống pháp luật đầy đủ vẫn chưa được ban hành và ngay cả khi được ban hành thì việc đi vào cuộc sống cũng phải mất một vài năm…”

Vấn đề thứ ba, tính phí là con dao hai lưỡi.

Mô hình hoạt động của các sàn thương mại điện tử B2B thời đó tương đối giống nhau ở hai khía cạnh.

Đầu tiên, thay vì như “chợ đầu mối” để giao thương giá sỉ, các sàn B2B sơ khai chỉ đơn thuần để doanh nghiệp giới thiệu và trưng bày sản phẩm. Hầu như chưa sàn nào giúp doanh nghiệp đàm phán, tiến hành giao dịch, ký kết hợp đồng và theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng.

Điểm giống tiếp theo nằm ở định hướng phát triển. Tất cả cùng miễn phí trong vài năm đầu, sau đó thu phí thành viên và phí giao dịch thành công. Định hướng này từng được Bộ Thương mại khái quát thành một đoạn trong báo cáo thường niên năm 2009: “Trước đây, hầu hết các sàn giao dịch điện tử hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, với mục đích giúp các doanh nghiệp làm quen với thương mại điện tử và tạo ra kênh xúc tiến thương mại mới. Sau đó, các đơn vị vận hành sàn phải đối mặt với nhu cầu tạo ra lợi nhuận và doanh thu để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai”.

Thế nhưng, Khoa nói với tôi, điều này không hề đơn giản. Song song tìm doanh nghiệp mới, các sàn phải rốt ráo giải bài toán phát triển tính năng, cải thiện chất lượng dịch vụ để doanh nghiệp thấy thoả đáng khi trả phí.

Vnemart cũng không ngoại lệ. Sau 3 năm miễn phí để hút doanh nghiệp, VCCI - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển sàn này - thông báo thu phí. Thành viên dùng gói PRO trả phí 50 USD một năm để sử dũng một website có tên miền riêng, quyền quản trị, cập nhật nội dung liên tục, không giới hạn nhu cầu chào hàng. Gói GOLD đắt hơn, 150 USD một năm, chỉ dành cho doanh nghiệp trong nước để quảng bá sản phẩm, hỗ trợ phát triển gian hàng online và giao dịch với đối tác nước ngoài.

Quyết định này có hai mặt.

Ở giai đoạn cao điểm, Vnemart có khoảng 300 doanh nghiệp chấp nhận trả phí, chưa đến 10% thành viên tham gia sàn. Tôi thử làm một phép tính đơn giản, tất cả doanh nghiệp đều chọn gói cao nhất, số tiền Vnemart thu được năm đó là 45.000 USD. Một con số không lớn, nhưng ít nhiều bù đắp chi phí vận hành.

Thu phí là động lực để đội ngũ phát triển sàn làm dịch vụ tốt hơn, nhưng ngược lại, đặt thêm một rào cản cho những doanh nghiệp mới bước vào môi trường kinh doanh số và chưa thấy hiệu quả từ kênh này. Trong bảng xếp hạng những sàn B2B uy tín và được ưa thích, vị trí của Vnemart thụt lùi dần cho đến ngày không còn được nhắc đến.

Để kết lại bài viết nay và câu chuyện về Vnemart, tôi muốn dùng nội dung cũ từ bài viết trước: Dù đã khai tử và quá khó tìm được những di sản hữu hình, Vnemart chí ít cũng để lại một di sản vô hình. Đó là những thách thức đương thời để cơ quan quản lý nhà nước tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại điện tử và những bài học cho các doanh nghiệp ấp ủ giấc mộng thành công như gã khổng lồ của Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết

Tải ngay ứng dụng Paykit trên App Store hoặc Google Play, đăng ký tài khoản miễn phí và trải nghiệm cổng thanh toán, tối ưu hóa mọi giao dịch cho doanh nghiệp của bạn!

Đọc thêm

Giải pháp thu tiền online cho doanh nghiệp của bạn

© Paykit là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Vidiva (MST: 0314570723) được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam giấy phép số 65/GP-NHNN ngày 09/09/2020 về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Giải pháp thu tiền online cho doanh nghiệp của bạn

© Paykit là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Vidiva (MST: 0314570723) được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam giấy phép số 65/GP-NHNN ngày 09/09/2020 về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Giải pháp thu tiền online cho doanh nghiệp của bạn

© Paykit là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Vidiva (MST: 0314570723) được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam giấy phép số 65/GP-NHNN ngày 09/09/2020 về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.