Tại sao bán hàng online cần có website riêng?
20 tháng 1, 2025
Bạn thử hình dung xem, một quán ăn nổi tiếng nhưng lại không có biển hiệu thì khách hàng sẽ tìm đến như thế nào?
Website chính là “biển hiệu” của doanh nghiệp bạn trên Internet – nơi khách hàng có thể nhìn thấy bạn, hiểu bạn cung cấp gì và lý do họ nên chọn bạn. Nhưng đáng tiếc là vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang bỏ qua cơ hội quý giá này.
Khách hàng ngày nay đều có thói quen tìm hiểu kỹ càng sản phẩm và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trước khi “xuống tay chi tiền”, vì vậy, không có website chẳng khác nào tự đóng cánh cửa với những khách hàng tiềm năng. Nhưng tại sao đến nay, vẫn có những doanh nghiệp chưa sở hữu website? Vậy lợi ích thực sự của một website là gì? Đọc ngay bài viết dưới đây nhé!
Những lý do nhà bán hàng online cần có website riêng
Khẳng định giá trị thương hiệu
Website là nền tảng duy nhất cho phép bạn tự do kể câu chuyện của mình theo cách riêng. Website vừa là nơi để giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ, vừa là công cụ để bạn thể hiện cá tính thương hiệu, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, và tạo dựng sự khác biệt với đối thủ.
Các thương hiệu lớn như Apple hay Nike không chỉ bán sản phẩm mà còn bán lối sống, phong cách qua cách họ trình bày nội dung trên website. Đây là điều mà mạng xã hội khó có thể đáp ứng vì bị hạn chế về khuôn khổ và thuật toán.
Tránh sự phụ thuộc vào các nền tảng khác
Hoạt động trên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử chẳng khác nào xây nhà trên đất thuê. Bạn không chỉ phụ thuộc vào thuật toán hiển thị mà còn bị kiểm soát về chi phí quảng cáo và chính sách. Chỉ một thay đổi nhỏ từ bên thứ ba cũng có thể khiến bài đăng của bạn bị giảm tương tác hoặc tăng chi phí vận hành mà không có cảnh báo trước.
Ví dụ, việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada giúp bạn tiếp cận được lượng khách hàng lớn, nhưng đi kèm với đó là khoản chiết khấu không nhỏ và sự cạnh tranh gay gắt về giá. Đã có nhiều nhà bán hàng tại Việt Nam tìm cách “thoát ly sàn” để tối ưu lợi nhuận và xây dựng tệp khách hàng riêng. Bạn có thể đọc thêm về câu chuyện này.
Website chính là giải pháp cho vấn đề này. Khi sở hữu một website, bạn không chỉ tự do thể hiện thương hiệu mà còn kiểm soát hoàn toàn nội dung, giao diện và trải nghiệm khách hàng.
Hơn nữa, website cho phép tích hợp nhiều tính năng như thanh toán trực tuyến, quản lý đơn hàng hay thu thập dữ liệu khách hàng. Những tính năng này là trợ thủ giúp bạn tối ưu quy trình kinh doanh và xây dựng tệp khách hàng trung thành – điều mà các nền tảng bên thứ ba thường yêu cầu chi phí cao nhưng lại không thể cung cấp đầy đủ.
Tiết kiệm chi phí
Nhiều người nghĩ rằng xây dựng website là một khoản đầu tư lớn, nhưng thực tế lại không hề như vậy. Hiện nay, có rất nhiều giải pháp linh hoạt phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp. Các nền tảng như WordPress cho phép bạn xây dựng website với chi phí thấp, dễ dàng vận hành mà vẫn đảm bảo đầy đủ các tính năng cần thiết. Bạn có thể tìm hiểu thêm về WordPress và cách nền tảng này hỗ trợ nhà bán hàng tại đây.
Quan trọng hơn, website là một công cụ đầu tư hiệu quả, mang lại giá trị lâu dài. Nó giúp bạn tiếp cận khách hàng một cách trực tiếp và tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Với các công cụ tích hợp như thanh toán trực tuyến, quản lý đơn hàng hay tối ưu SEO, website không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành mượt mà hơn mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững.
Không giới hạn thời gian và không gian
Website hoạt động như một nhân viên trực tuyến 24/7, cho phép khách hàng dễ dàng mua sắm bất cứ khi nào họ muốn. Nếu đã ưng ý một sản phẩm, khách hàng có thể truy cập website để tự mình xem chi tiết, thêm vào giỏ hàng, và hoàn tất giao dịch một cách nhanh chóng mà không cần qua các bước trung gian như nhắn tin cho Fanpage hay chờ nhân viên tư vấn.
Lợi ích này không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian mà còn giảm tải công việc cho đội ngũ của bạn. Nhân viên không còn phải liên tục trả lời tin nhắn hay xác nhận từng đơn hàng, từ đó doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực vào các hoạt động quan trọng hơn.
Thêm vào đó, website loại bỏ rào cản về khoảng cách địa lý. Dù khách hàng ở bất kỳ đâu, họ đều có thể tiếp cận sản phẩm và dịch vụ của bạn. Điều này mang lại cơ hội mở rộng thị trường vượt xa phạm vi thông thường, từ khách hàng trong nước cho đến quốc tế.
Tăng tính cạnh tranh
Một cửa hàng nhỏ sở hữu website bán hàng sẽ có cơ hội vượt lên trước các đối thủ lớn hơn, bởi website là minh chứng rõ ràng nhất cho sự chuyên nghiệp.
Khách hàng thường đánh giá cao các cửa hàng có website, vì họ cảm thấy thông tin được cung cấp đáng tin cậy hơn so với các nền tảng mạng xã hội như Facebook hoặc Zalo.
Bên cạnh việc tạo dựng website, quản lý các đơn hàng phát sinh trên trang cũng là yếu tố cần được chú trọng. Việc ghi chép thủ công dễ dẫn đến sai sót, đặc biệt là khi có nhiều khách đặt hàng cùng lúc. Đây là lúc các phần mềm quản lý bán hàng trở thành giải pháp hữu hiệu, giúp giảm thiểu áp lực cho người quản lý và đảm bảo các đơn hàng được xử lý chính xác, nhanh chóng.
Một website bán hàng cần có những trang cơ bản nào
Chúng ta đã nói rất nhiều về lợi ích của website, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi: một website bán hàng thực sự được cấu thành từ những trang nào?
Để một website hoạt động hiệu quả, không chỉ cần giao diện đẹp hay chức năng tiện dụng mà còn phải có sự sắp xếp khoa học giữa các trang quan trọng. Những trang này giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin, đồng thời đóng vai trò xây dựng trải nghiệm mua sắm toàn diện. Paykit gợi ý bạn một số trang cơ bản cần có trên một website bán hàng như sau:
1. Trang chủ
Trang chủ là trang đầu tiên khi truy cập vào website, nơi tạo ấn tượng đầu tiên khi khách hàng truy cập. Đây là nơi tổng quan hóa sản phẩm, dịch vụ, các chương trình khuyến mãi nổi bật và điều hướng khách hàng đến các trang khác.
2. Về chúng tôi
Trang này giúp khách hàng hiểu rõ hơn về doanh nghiệp của bạn. Có thể bao gồm câu chuyện thương hiệu, giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh và đội ngũ nhân viên. Một trang "Về chúng tôi" chất lượng sẽ gia tăng niềm tin và sự kết nối với khách hàng.
3. Blog
Blog là nơi chia sẻ thông tin, kiến thức, xu hướng mới và các câu chuyện liên quan đến sản phẩm hoặc ngành hàng của nhà bán hàng, giúp tăng cường sự tương tác và tin cậy từ khách hàng.
Việc thường xuyên cập nhật blog không chỉ thu hút khách hàng mà còn hỗ trợ tốt cho SEO, giúp website của bạn xuất hiện ở vị trí cao hơn trên các công cụ tìm kiếm.
4. Sản phẩm
Trang Sản phẩm hiển thị danh sách các sản phẩm mà nhà bán hàng đang bán, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
5. Chi tiết sản phẩm
Mỗi sản phẩm cần có trang riêng để hiển thị thông tin chi tiết như hình ảnh, mô tả, giá cả, đánh giá từ khách hàng trước đó, và các thông tin liên quan. Trang này đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục khách hàng đưa ra quyết định mua sắm.
6. Giỏ hàng
Trang tổng hợp các sản phẩm mà khách hàng đã chọn, cho phép họ xem lại và chỉnh sửa trước khi thanh toán.
7. Thanh toán
Trang thanh toán là nơi khách hàng nhập thông tin cá nhân, địa chỉ giao hàng, chọn phương thức thanh toán và hoàn tất đơn hàng. Giao diện thanh toán cần đơn giản, trực quan để khách hàng cảm thấy thoải mái khi thực hiện giao dịch.
Kết luận
Website bán hàng là công cụ không thể thiếu để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, thu hút khách hàng và tối ưu trải nghiệm mua sắm. Thay vì phụ thuộc vào những nền tảng thứ ba, website trao cho bạn sự tự do để xây dựng một không gian bán hàng theo đúng phong cách và giá trị của mình.
Dù bạn là cá nhân kinh doanh hay doanh nghiệp, sở hữu một website riêng sẽ giúp bạn mở rộng cánh cửa kết nối với khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Chia sẻ bài viết
Tải ngay ứng dụng Paykit trên App Store hoặc Google Play, đăng ký tài khoản miễn phí và trải nghiệm cổng thanh toán, tối ưu hóa mọi giao dịch cho doanh nghiệp của bạn!